VN đã cam kết như thế nào về vấn đề trợ cấp khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tác động của việc thực thi những cam kết ấy tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ra sao?
VN đã cam kết như thế nào về vấn đề trợ cấp khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tác động của việc thực thi những cam kết ấy tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp ra sao?
Trong hoạt động thương mại toàn cầu, nông nghiệp là ngành dễ bị ảnh hưởng, nên WTO có cả một Hiệp định về nông nghiệp, trong đó có các quy định về trợ cấp trong nước và trợ cấp xuất khẩu. Đây là toàn bộ những hỗ trợ bằng tiền ngân sách, cũng như tất cả các khoản được phép để lại của Chính phủ để giúp đỡ cho ngành nông nghiệp. Còn việc phân chia giữa trợ cấp xuất khẩu và trong nước được quy định bởi một tiêu chí là chính sách đó có tác động đến xuất khẩu hay không. Tức là, nếu chính sách trợ cấp mà thúc đẩy xuất khẩu sẽ bị coi là hỗ trợ xuất khẩu, còn nếu hỗ trợ chung cho nông nghiệp được coi là hỗ trợ trong nước.
Đối với nhóm chính sách hỗ trợ trong nước, WTO cho phép các nước thành viên được áp dụng 3 loại hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, bao gồm: trợ cấp đầu tư cho nông nghiệp; trợ cấp đầu vào cho người nông dân vùng khó khăn, người nghèo, khó tiếp cận nguồn lực bình thường; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu để xoá bỏ cây thuốc phiện, chuyển sang trồng loại cây khác.
Trong nhóm chính sách trợ cấp trong nước còn có các chính sách can thiệp thị trường của chính phủ các nước. Đây là chính sách có tính nhạy cảm, dễ bị các nước nhập khẩu áp dụng biện pháp tự vệ.
Hiện nay, trợ cấp xuất khẩu bị WTO coi là những hỗ trợ có tính bóp méo thương mại nhiều nhất, nên WTO quy định rất ngặt nghèo. Về nguyên tắc, thì WTO nghiêm cấm trợ cấp xuất khẩu, nhưng một nước đã có trợ cấp xuất khẩu thì khi gia nhập WTO sẽ phải cam kết cắt giảm.
Trong đàm phán gia nhập WTO, những nông sản chế biến, chăn nuôi, sản phẩm ôn đới như táo, lê, đào, nho phải giảm thuế nhập khẩu nhiều. Chúng ta cần áp dụng một số loại trợ cấp xuất khẩu được phép theo quy định của WTO dành cho các nước đang phát triển mà chúng ta chưa sử dụng, như trợ cấp cho tiếp thị, chuyên chở hàng xuất khẩu quốc tế, quỹ xúc tiến xuất khẩu thông qua cho vay tín dụng. Về một loại trợ cấp cho phép khác, bà Nguyễn Thị Lan Hương, chuyên gia kinh tế, Viện Quản lý kinh tế Trung ương cho biết, trợ cấp được phép khác là trợ cấp thông qua các chương trình rút lao động ra khỏi ngành nông nghiệp, chuyển sang các ngành khác. Ví dụ như có thể đa dạng hoá sản phẩm, chuyển từ trồng lúa sang cây trồng khác thì được phép trợ cấp. Chính sách chi trả trực tiếp cho người sản xuất bằng tiền mặt, bảo hiểm, chi phí. Ngoài ra, còn các chi trả cho các chương trình môi trường, cho các vùng đặc biệt khó khăn phát triển sản xuất… Đây là những chính sách sẽ dùng nhiều trong tương lai.
Tìm hiểu kỹ về các biện pháp trợ cấp được phép áp dụng theo quy định của WTO không những đem lại lợi ích cho doanh nghiệp nông nghiệp, mà cả người nông dân. Cho đến thời điểm này, hầu hết các mặt hàng được hưởng trợ cấp xuất khẩu trước đây, như: gạo, cà phê, thịt lợn, chè, rau quả, thịt lợn, hạt tiêu… đã không được hưởng trợ cấp nữa. Thế nhưng, cũng cần nhấn mạnh lại rằng, nếu áp dụng trợ cấp không đúng quy định của WTO, các sản phẩm nông nghiệp có thể sẽ bị áp dụng các biện pháp đối kháng, hoặc đánh thuế chống bán phá giá.
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn (28/01/07)